XÃ MAO ĐIỀN VÙNG ĐẤT GIÀU TRUYỀN THỐNG VÀ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN

XÃ MAO ĐIỀN VÙNG ĐẤT GIÀU TRUYỀN THỐNG VÀ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN

Từ ngày 01/7/2025, xã Mao Điền một đơn vị hành chính mới trực thuộc thành phố Hải Phòng chính thức đi vào hoạt động trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Tân Trường, Cẩm Đông và một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Phúc Điền (thuộc huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương cũ) theo Nghị quyết số 1669/NQ-UBTVQH15 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua vào 16/6/2025. Đây là bước đi cụ thể trong tiến trình thực hiện Nghị quyết của Trung ương về việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức hành chính cấp xã, hướng đến mô hình chính quyền tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. 

Trụ sở của Đảng ủy-HĐND-UBND xã Mao Điền được đặt tại thôn Tràng Kỹ (trụ sở của Đảng ủy-HĐND-UBND xã Tân Trường cũ). Đây là vị trí trung tâm của xã, thuận tiện giao thông đi lại, giao dịch của tổ chức và công dân, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch của địa phương, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững của xã. 

Trụ sở Đảng ủy, HDND-UBND-Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội xã Mao Điền mới (đặt tại trụ sở cũ của ĐU- HĐND – UBND xã Tân Trường)

Xã Mao Điền có diện tích tự nhiên 24,37 km², gồm 23 thôn với tổng dân số 48.331 người. Đảng bộ xã Mao Điền có 1.560 đảng viên, sinh hoạt tại 54 chi, đảng bộ trực thuộc. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cấp xã dự kiến 73 người. Sự kiện thành lập xã không chỉ là sự kiện hành chính đơn thuần mà còn mang tính lịch sử, đánh dấu bước chuyển mình của cả một vùng đất với nhiều tiềm năng. 

Giao thông thuận lợi – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

          Tọa lạc tại vị trí đắc địa, xã Mao Điền có tuyến đường quốc lộ 5A - tuyến giao thông huyết mạch kết nối Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh với các vùng kinh tế trọng điểm chạy qua địa bàn. Cùng với đó là trục đường liên xã và nhiều khu đô thị mới hình thành, tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư.

Screenshot (1040).png

     Xã Mao Điền có QL5A chạy qua với nhiều KCN có lợi thế phát triển kinh tế xã hội

          Từ các xã cũ, xã Mao Điền kế thừa những lợi thế nổi bật: dịch vụ phát triển nhanh, ngành nghề truyền thống đa dạng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, các xã thành viên trước đây đều đã đạt chuẩn Nông thôn nâng cao, trong đó có xã Cẩm Đông và xã Tân Trường đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, là nền tảng vững chắc để xã Mao Điền vươn lên trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

DJI_20250604153945_0068_D.JPG

  (Hệ thống đường giao thông được đầu tư nâng cấp tạo điều kiện phát triển KTXH nâng cao đời sống người dân). 

                  Bảo tồn văn hóa phát huy giá trị lịch sử ngàn năm 

          Không chỉ nổi bật bởi vị trí địa lý và tiềm năng phát triển, xã Mao Điền còn là vùng đất địa linh nhân kiệt với bề dày văn hóa, lịch sử đáng tự hào. Trên địa bàn xã có Văn miếu Mao Điền, là một trong những Văn miếu lớn và có giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đây là nơi tôn vinh đạo học và truyền thống hiếu học của nhân dân xứ Đông - mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nơi đã sản sinh nhiều bậc hiền tài cho đất nước. Văn miếu Mao Điền tiền thân là Văn miếu trấn Hải Dương, được xây dựng từ thời Lê Sơ (đầu thế kỷ XV) tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng. Đến năm Tân Dậu 1801 (thế kỷ XIX), trấn lỵ Hải Dương được di dời về Mao Điền, Văn miếu trấn Hải Dương cũng được chuyển về đây và sáp nhập vào Trường thi Hương của trấn Hải Dương, trở thành trung tâm giáo dục - thi cử lớn thứ hai toàn quốc, chỉ sau Văn Miếu Quốc Tử Giám Thăng Long. 

Ảnh MĐ.jpg

Văn Miếu Mao Điền - Trường học, trường thi xưa, Biểu tượng hiếu học Xứ Đông nằm trên địa bàn xã Mao Điền 

Văn miếu Mao Điền là nơi tôn vinh đạo học và các danh nhân khoa bảng như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An, Lê Quý Đôn... Trải qua thăng trầm lịch sử và chiến tranh, Văn Miếu từng bị hư hại nặng nề nhưng đã được phục dựng, bảo tồn nhiều lần. Đặc biệt, từ năm 2002–2004, toàn bộ khu di tích được trùng tu quy mô lớn, khôi phục lại kiến trúc truyền thống với các hạng mục tiêu biểu như: cổng tam quan, gác chuông, gác trống, nhà bia, tiền tế, hậu cung… Khu bia tiến sĩ tại đây ghi danh 637 vị đại khoa của trấn Hải Dương trong suốt các triều đại phong kiến - là niềm tự hào của vùng đất học. Văn miếu Mao Điền đã được Đảng và Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1992; xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 12 năm 2017 và được UBND tỉnh công nhận là khu du lịch cấp tỉnh vào ngày 06 tháng 12 năm 2024. Văn Miếu Mao Điền không chỉ là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia đặc biệt mà còn là địa chỉ giáo dục truyền thống hiếu học, là nơi tổ chức lễ hội văn hóa tiêu biểu của tỉnh Hải Dương vào mùa xuân hằng năm, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, những người yêu mến lịch sử, văn hóa và giáo dục Việt Nam.

Như vậy, đặt tên xã Mao Điền khi sáp nhập 3 đơn vị hành chính (xã Phúc Điền, xã Tân Trường, xã Cẩm Đông) để thực hiện chủ trương của Trung ương về việc thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp không chỉ phù hợp với lịch sử địa lý, lịch sử dân tộc và truyền thống hiếu học của người dân xứ Đông xưa mà còn để giữ gìn, bảo tồn, phát huy, lan tỏa giá trị văn hóa, hun đúc niềm tự hào về một vùng đất học lâu đời, đồng thời tiếp thêm động lực cho các thế hệ hôm nay và mai sau xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh.

          Sẵn sàng cho chặng đường mới – Niềm tin lan tỏa trong nhân dân 

          Sự kiện thành lập xã Mao Điền là kết quả của sự thống nhất ý chí từ Trung ương đến cơ sở, từ chính quyền đến nhân dân. Với tinh thần đoàn kết, đồng thuận cao, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đang hân hoan, phấn khởi, sẵn sàng bắt tay ngay vào nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính quyền vận hành hiệu quả, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp.

          Trong thời gian tới, xã Mao Điền sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, phát triển các ngành mũi nhọn như: công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, du lịch văn hóa tâm linh, dịch vụ – thương mại... Những chương trình về giáo dục, y tế, môi trường, an sinh xã hội… cũng sẽ được chú trọng đầu tư nhằm nâng cao toàn diện chất lượng cuộc sống người dân. 

          Từ ánh bình minh đầu tiên của ngày 1/7/2025, một hành trình mới đã bắt đầu, hành trình khơi dậy tiềm năng, phát huy truyền thống và kiến tạo tương lai trên vùng đất thiêng mang tên xã Mao Điền. Tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân, xã Mao Điền sẽ sớm vươn lên trở thành điểm sáng phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại của thành phố Hải Phòng.

                                                                 Phòng Văn hoá - Xã hội xã Mao Điền 

 

 

Phòng Văn hoá - Xã hội xã Mao Điền
QR Code
image advertisement
image advertisement
Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0